Với nhiều thế hệ học sinh Trường THCS Khương Đình, ấn tượng về mái trường thân yêu không chỉ là một ngôi trường có hàng cây xanh mát; có các thầy cô giáo tâm huyết, tận tình; có những người bạn tốt mà còn có các bác bảo vệ, các cô lao công châm chỉ, nhân hậu và trách nhiệm. Và một người “gác cổng” luôn âm thầm lặng lẽ làm tốt công việc của mình - công việc bảo vệ sự an toàn cho nhà trường; một bác bảo vệ luôn nhận được tình cảm yêu mến từ đồng nghiệp và các em học sinh đó chính là bác Phạm Văn Điển bảo vệ trường Trung học cơ sở Khương Đình.
Bác Phạm Văn Điển sinh năm 1961 gắn bó với trường Trung học cơ sở Khương Đình hơn 20 năm Bác đã chứng kiến bao đổi thay của nhà trường bao thế hệ học sinh đến và trưởng thành từ mái trường. Làm công tác bảo vệ bác đã để lại sự tin tưởng, những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp phụ huynh và các thế hệ học trò. Trong công việc bác Điển luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Công việc của bác cũng như bao người bảo vệ khác là công việc lặng thầm mà không thể thiếu trong mỗi nhà trường để các hoạt động dạy học diễn ra nhịp nhàng an toàn.
Các em học sinh các thầy cô giáo mỗi sáng sớm đến trường đã quen thuộc với hình ảnh bác cùng các chú bảo vệ khác đứng sẵn ở cổng trường với nụ cười niềm nở hướng dẫn các bạn học sinh để xe đúng quy định, sát khuẩn tay trước khi vào trường, vào lớp. Những tiếng trống báo hiệu tiết học bắt đầu kết thúc luôn vang lên đúng giờ. Khi một ngày học kết thúc hoặc vào thứ bảy, chủ nhật tranh thủ học sinh không đến trường bác lại chẳng cụi lặng lẽ đi kiểm tra từng thân cây từng ngóc ngách nơi sân trường: từng chiếc bàn cái ghế, từng viên gạch, từng công tắc điện trong lớp học để kịp thời sửa chữa đảm bảo an toàn cho học sinh. Mọi người nói các bác bảo vệ như là người đàn ông trong gia đình có vấn đề gì liên quan đến điện, nước hay bàn ghế hỏng, nền gạch bông là các cô giáo và các em học sinh lại gọi các bác bảo vệ. Các lớp học bị hỏng cơ sở vật chất chỉ cần báo là bác có mặt. Cô giáo Chu Việt Hương giáo viên chủ nhiệm lớp 7A4 kể rằng: "Có lần bóng đèn của lớp bị hỏng gọi bác Điển là bác có mặt luôn và khéo léo, nhiệt tình khắc phục ngay." Bác cũng rất nhiệt tình trong công việc chung của nhà trường, cô Bùi Minh Nguyệt nguyên tổng phụ trách từng kể:
“ Bác là một đồng nghiệp luôn tận tụy với công việc của nhà trường không nề hà công việc gì khi trường tổ chức các hoạt động sinh hoạt dưới cờ hay những sự kiện quan trọng, bác luôn cẩn thận để treo phông đẹp nhất để các chương trình diễn ra suôn sẻ.”
Cứ như vậy bác lặng lẽ làm mọi việc chẳng thấy bác kêu vất vả bao giờ. Hiền lành và nhân hậu, trò chuyện với ai cũng tủm tỉm cười, đó là những ấn tượng mà bác để lại với những ai từng tiếp xúc gặp gỡ.
Trong công tác phòng chống dịch Covid 19, là một bảo vệ trách nhiệm của bác vô cùng quan trọng và bác đã thực hiện nghiêm túc những việc cần làm để phòng chống dịch bệnh như: đo thân nhiệt cho các thầy cô giáo, các em học sinh, khách đến trường, nhắc nhở các em đeo khẩu trang nghiêm túc và khử khuẩn trước khi vào lớp.
Với các bạn học sinh ấn tượng với bác là “người gác cổng” ấm áp, thân thiện, hiền lành với nụ cười dễ mến. Hằng ngày các bạn học sinh gặp các bác bảo vệ đầu tiên khi đến trường và không bao giờ quên dừng lại chào bác Điển. Với học sinh vi phạm nội quy, nhìn thấy bác là chúng sợ nhưng chả bao giờ thấy bác mắng học sinh đâu. Bác nói: mắng học sinh làm gì cứ nhắc nhở cho các cháu biết là được rồi.
Bác không chỉ bảo vệ an toàn an ninh trường học mà còn luôn lắng nghe quan tâm từ các bạn học sinh ngồi trò chuyện với những bạn mà bố mẹ đón muộn. Có lần tôi ngồi ở cổng trường một em học sinh chạy lại hỏi tôi tìm bác Điển bảo vệ. Hỏi ra mới biết bạn học sinh ấy muốn mượn điện thoại để gọi cho bố mẹ đến đón. Thì ra hằng ngày với các bạn học sinh về muộn bác vẫn tận tình hỏi thăm và cho mượn điện thoại để các bạn gọi cho bố mẹ. Bạn Nguyễn Thảo Nguyên học sinh lớp 9A3 cũng đã dành tình cảm tốt đẹp cho bác bảo vệ:
“ Cứ mỗi buổi sáng, con đến trường là thấy bác đứng ngoài cổng trường để nhắc nhở và chào các bạn học sinh. Mặc dù đôi lúc bác hơi nghiêm khắc trong công việc nhất là việc nhắc học sinh phải thực hiện đúng quy định nhưng với con bác vẫn rất vui tính và tốt bụng. Đến buổi trưa, khi ăn cơm xong con chạy ngang qua phòng bảo vệ thì thấy bác đang điều tiết học sinh ra về khi học sinh gần như đã về hết thì bác mới yên tâm quay lại phòng bảo vệ để ăn bữa cơm của mình. Khi đã ăn xong, bác không ngủ mà thay vào đó còn thức để rà soát xung quanh trường. Trống tan trường vang lên, bác đã mở sẵn cổng cho chúng con và nó cũng giống như lời tạm biệt chúng con sau mỗi một ngày học. Có lúc con phải ngồi chờ để được người thân đón và quãng thời gian đó rất là chán con đến ngồi gần bác và bác đã bắt chuyện với con, con ngồi đó nói với bác rất say sưa. Bác Điển cùng với bác Thành còn trêu con rất nhiều và có vẻ lúc đấy sự nhàm chán của con đã đi đâu mất”
Không chỉ niềm nở với các bạn học sinh và các bậc phụ huynh, khách công tác mà bác luôn có thái độ tiếp đón lịch sự văn minh nhiệt tình khi hướng dẫn. Bác đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho những ai đã từng đến với Trường THCS Khương Đình.
Gắn bó với ngôi trường đã qua rất nhiều năm chứng kiến bao sự thay đổi của nhà trường bác cũng thấy tự hào khi ngôi trường mình gắn bó ngày một đẹp hơn. Bác chia sẻ rằng công việc tuy vất vả nhưng bác vẫn tìm thấy niềm vui khi mỗi ngày đứng ở cổng trường nghe tiếng chào của các bạn học sinh: cháu chào bác ạ; khi mỗi buổi chiều được ngồi nói chuyện với các con học sinh mà bố mẹ chưa đưa đón hay khi có bạn hỏi mượn điện thoại để gọi về cho bố mẹ.
Ở trường học tác là một người tận tâm với công việc và khi trở về gia đình bác là một người chồng yêu thương quan tâm đến vợ là một người ông nội rất yêu thương các cháu.
Bác luôn tìm cách hoàn thành công việc một cách rất là chỉnh chu. Hằng ngày, bác vẫn lặng lẽ cần mẫn tới trường hoàn thành công việc được giao và quan sát nhắc nhở các bạn học sinh không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả tình cảm yêu quý trẻ em. Hi vọng gia đình bác sẽ luôn mạnh khỏe, nhiều niềm vui và bác Điển sẽ luôn là “người gác cổng” tin yêu của đại gia đình Trường THCS Khương Đình.
Khương Đình, tháng 1 năm 2024
Người viết
Bùi Thị Nga